Nếu bạn có một chiếc máy tính cài hệ điều hành Windows, hãy vào biểu tượng "Computer" (hoặc "My Computer" trong các phiên bản cũ) và mở nó ra. Một cửa sổ giống như bức ảnh sau sẽ mở ra:
Nếu bạn không thay đổi những thiết lập mặc định trên máy tính và đơn giản cứ thế sử dụng chiếc máy với tất cả các cài đặt ban đầu của nó, bạn sẽ nhận thấy ổ đĩa cứng trong máy tính của bạn luôn luôn bắt đầu bằng chữ cái "C". Nói cách khác, trong số tất cả các biểu tượng phân vùng ổ cứng (như C, D, E, … tùy thuộc vào số lượng phân vùng ổ cứng mà bạn đã tạo), ổ đầu tiên luôn là ổ C. Một số người không phân vùng ổ cứng, vì thế họ sẽ thấy một phân vùng duy nhất với tên mặc định là "C".
Vì sao thế? Tại sao chữ "C" lại là chữ cái ổ cứng mặc định – chứ không phải "A", nếu đặt là "A" nghe sẽ hợp lý hơn chứ? Theo trang Scienceabc, có một lý do thú vị phía sau chữ "C" này…
Thời kỳ đầu của PC
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng các ổ đĩa cứng hầu như không hề tồn tại trong máy tính cho mãi đến cuối những năm 1980. Mặc dù ổ cứng (dù là ở dạng thô sơ) đã có từ khoảng những năm 1950, song ổ cứng vẫn không phải là một thành phần thiết yếu của máy tính, do chi phí giá thành cao.
Ổ đĩa mềm
Để phục vụ cho nhu cầu lưu trữ, máy tính đã có đầu đọc đĩa mềm, nghĩa là một thiết bị có thể đọc đĩa mềm. Thế hệ trẻ ngày nay có thể thậm chí không biết đến những thiết bị lỗi thời này, song đĩa mềm là một loại đĩa lưu trữ có hình chữ nhật / hình vuông và có chứa một phương tiện lưu trữ từ tính để lưu trữ dữ liệu.
Hầu hết đĩa mềm đều không thể lưu trữ quá 1 MB dữ liệu. Thêm vào đó, chúng lại rất to lớn, nếu so với loại thẻ nhớ nhỏ xíu, mỏng mảnh mà chúng ta dùng ngày nay có khả năng lưu dữ liệu cao gấp hàng chục ngàn lần so với đĩa mềm.
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi đĩa mềm nhanh chóng bị thay thế bởi các đĩa nhỏ gọn, và thực sự biến mất, đến mức ngày này không còn có ổ đĩa mềm nào trên máy tính nữa.
Nếu bạn đang dùng đĩa mềm, bạn sẽ phải cần đến 3.711 chiếc đĩa mềm mới có thể cài được Windows 8.1 trong máy tính của mình!
Quay trở lại, ổ đĩa mềm trong máy tính sử dụng hệ điều hành MS-DOS hoặc các hệ điều hành khác, được gắn nhãn là "A". Lúc đó, công nghệ đã có những cải tiến nhất định và các hệ thống mới đã có 2 ổ đĩa mềm như thế, nhằm mang lại nhiều khả năng lưu trữ hơn. Chiếc ổ mới, rất dễ đoán là sẽ được gắn nhãn là "B". Máy tính có 2 ổ đĩa mềm, và không thêm một ổ đĩa mềm nào nữa, vì thế những chữ cái "A" và "B" đã gắn chặt với các ổ đĩa mềm.
Bắt đầu kỷ nguyên ổ đĩa cứng
Mọi thứ mà chúng ta thảo luận ở trên diễn ra trong thời kỳ khi ổ đĩa cứng vẫn còn quá đắt đỏ. May mắn, với sự cải tiến lớn trong ngành công nghiệp phần cứng, giá ổ đĩa cứng đã trở nên phải chăng hơn rất nhiều và trở thành linh kiện cần thiết phải có trong mọi máy tính vào cuối những năm 1980. Những hệ thống mới này bao gồm cả hai ổ đĩa mềm (A và B), cũng như cả ổ đĩa cứng. Gọi tên thành viên mới (ổ đĩa cứng) là "C" là một điều hoàn toàn logic.
Thời gian thay đổi, ổ đĩa mềm bị gỡ bỏ hoàn toàn ra khỏi máy tính, nhưng theo cách nào đó, nhãn hiệu "C" vẫn gắn chặt với các ổ đĩa cứng. Trong thực tế, hầu hết máy tính Windows đều có phân vùng ổ cứng đầu tiên là "Local Disk C:". Tất nhiên, bạn có thể dễ dàng thay đổi tên của chúng với một vài cái click chuột, miễn bạn được phân quyền là Administrator của máy tính. Dù vậy, hầu hết mọi người không phiền hà gì với tên gọi "C", bởi vì, như hình ảnh dưới đây, Bill Gates đã nói rằng: "nếu không vấn đề gì, thì đừng sửa đổi nó làm gì".
Nguồn (http://vnreview.vn/)